Từ lâu, AFF Cup hay AFF Suzuki Cup đã là món ăn tinh thần không thể bỏ lỡ cho các tín đồ túc cầu giáo Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang là nhà đương kim vô địch của giải đấu.
Tuy nhiên, nếu bạn có nghe báo đài thường xuyên thì chắc hẳn bạn đã từng nghe qua giải Tiger Cup. Vậy hai giải đấu trên có gì khác nhau? Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu những sự thật về giải đấu này qua bài viết này.
Mục lục [show]
- Lịch sử của Tiger Cup
- Thể thức thi đấu của Tiger Cup
- Sự phát triển qua từng thời kỳ của Tiger Cup
- Tiger Cup và những miền ký ức xưa
Lịch sử của Tiger Cup
Hiện nay, nhiều khán giả đã biết đến AFF Cup hay giải vô địch bóng đá Đông Nam Á là giải đấu bóng đá giữa các đội tuyển bóng đá nam quốc gia đại diện cho các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á do Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) tổ chức.
Tuy nhiên, nếu lùi lại quá khứ một chút, bạn sẽ thấy cái tên Tiger Cup xuất hiện. Thực ra, hai giải đấu này là một, Tiger Cup là tên gọi sau khi thương hiệu bia Tiger đã mua quyền đặt tên giải đấu được khởi tranh.
Tiger Cup lần đầu tiên được diễn ra tại Singapore năm 1996 với 10 đội tuyển tham gia và chứng kiến Thái Lan trở thành nhà vô địch đầu tiên của giải. Tên gọi Tiger Cup (hay Cúp Tiger) được giữ đến hết giải lần thứ 5 (năm 2004).
Với việc hợp đồng đặt tên của Tiger đã kết thúc, giải lần thứ 6 (năm 2007) không còn mang tên Tiger Cup nữa mà chuyển sang AFF Cup.
Ngay sau đó một năm, công ty Suzuki (Nhật Bản) đã giành quyền đặt tên và từ đó giải đấu lại được chuyển tên thành AFF Suzuki Cup đến thời điểm hiện nay.
Vì vậy, về cơ bản, AFF Cup, AFF Suzuki Cup hay Tiger Cup đều là một. Và trong bài viết này chúng ta cùng đi sâu hơn về thời kì Tiger Cup, thời kì tiền thân của AFF Cup hiện nay.
Thể thức thi đấu của Tiger Cup
Tiger Cup chính là tiền thân của AFF Suzuki Cup. Đây là thời kì mà giải đấu vẫn còn bất ổn về số lượng đội tham dự. Có những năm giải đấu có tới 10 đội tham dự VCK (năm 1996, 2004).
Có năm thì giải đấu có 9 đội tham dự, và 1 bảng đấu sẽ phải có 5 đội (năm 2000, 2002). Cá biệt năm 1998 giải đấu được tổ chức tại Việt Nam chỉ có 8 đội tham dự.
Điểm độc đáo của giải đấu khi còn mang tên Tiger Cup là việc các đội sẽ thi đấu tập trung tại một quốc gia duy nhất từ trận đấu vòng bảng cho đến trận chung kết của giải đấu, tương tự như hình thức tổ chức World Cup hay Euro hiện nay.
Chỉ đến năm cuối cùng khi mang tên Tiger Cup (2004), giải đấu đổi sang cách thi đấu mới và kéo dài đến năm 2016. Đó là các đội được chọn là chủ nhà chỉ tổ chức thi đấu vòng bảng. Các vòng bán kết và chung kết sẽ được tổ chức trên sân theo hình thức lượt đi và lượt về.
Sự phát triển qua từng thời kỳ của Tiger Cup
Tiger Cup 1996 – Lần đầu tổ chức
Năm 1996, Tiger Cup chính thức ra mắt khán giả Đông Nam Á với sự tham gia của 10/11 đội Đông Nam Á. Chủ nhà được chọn cho giải đấu đầu tiên này là Singapore.
Ở vòng bảng, 10 đội được chia thành 2 bảng, mỗi bảng sẽ đá vòng tròn 1 lượt để chọn ra 2 đội đầu bảng vào bán kết. Việt Nam khi ấy rơi vào bảng A và kết thúc vòng bảng với vị trí thứ nhì sau 2 trận thắng Campuchia (3-1) và Myanmar (4-1) cùng 2 trận hòa trước Indonesia và Lào (cùng tỷ số 1-1).
Ở bảng B, Thái Lan và Malaysia giành 2 vị trí nhất bảng, đẩy chủ nhà Singapore về vị trí thứ ba và chính thức bị loại.
Ở vòng bán kết, Malaysia dễ dàng loại Indonesia với tỷ số 3-1 ở trận đấu sớm. Trận đấu còn lại giữa Thái Lan và Việt Nam đã kết thúc với tỷ số 4-2 nghiêng về đội bóng xứ chùa tháp bất chấp nỗ lực vùng lên ở những phút cuối của Việt Nam.
Trong trận chung kết đầu tiên của Tiger Cup, bàn thắng duy nhất của Kiatisak mang về chức vô địch đầu tiên trong lịch sử dành cho Thái Lan. Trong khi đó, Việt Nam hạ Indonesia 3-2 để giành vị trí thứ ba chung cuộc.
Tiger Cup 1998 – Bước hụt đáng tiếc của Việt Nam
Hai năm sau giải đấu trên, Tiger Cup đã đến với Việt Nam. Trong kỳ Tiger Cup này, số đội tham gia chỉ còn là 8 do các nước gặp bất ổn về mặt chính trị xã hội.
Vòng bảng Tiger Cup 1998 gồm 4 đội mỗi bảng. Chủ nhà Việt Nam đã giành được 7 điểm và kết thúc với vị trí nhì bảng do kém hiệu số hơn Singapore, bất chấp việc chơi lấn lướt hoàn toàn sơ với đối thủ.
Ở bảng đấu còn lại, Thái Lan với 7 điểm giành ngôi đầu bảng, xếp sau là Indonesia với 6 điểm. Tuy nhiên, tâm điểm của bảng đấu này là trận chiến giữa Thái Lan và Indonesia ở lượt đấu cuối. Do muốn né chủ nhà Việt Nam nên Indonesia đã nhường Thái Lan ngôi đầu bảng bằng cách tự đá phản lưới nhà ở phút thứ 90.
Ở vòng bán kết, Singapore vượt qua Indonesia với tỷ số 2-1. Ở trận đấu còn lại, Việt Nam có màn trả thù ngọt ngào bằng chiến thắng hủy diệt 3-0 trước Thái Lan, hẹn gặp Singapore ở trận chung kết.
Trong trận đấu tranh hạng 3, Indonesia vượt qua Thái Lan trên chấm luân lưu (5-4) sau khi hòa nhau 3-3. Ở trận chung kết, trên sân Hàng Đẫy, Việt Nam đã thất thủ trên sân nhà với tỷ số 0-1 và phải chứng kiến Singapore lên ngôi vô địch trong cay đắng.
Tiger Cup 2000 – Thái Lan tìm lại bản ngã nhà vua
Sau thất bại trước đội tuyển Việt Nam, người Thái có cơ hội tái khẳng định sức mạnh khi Tiger Cup 2000 được tổ chức trên đất Thái Lan. Giải đấu Tiger Cup lần thứ ba này gồm 9 đội tham dự sau khi Brunei rút khỏi vào phút chót. Điều này khiến cho các bảng đấu không cân bằng về số đội khi bảng A gồm 4 đội và bảng B gồm 5 đội.
Ở bảng A, Thái Lan toàn thắng và giành ngôi nhất bảng, theo sau đó là Indonesia với 2 chiến thắng trong 3 trận vòng bảng. Ở bảng B, Việt Nam trả được món nợ 2 năm trước khi giành chiến thắng 1-0 trước nhà đương kim vô địch Singapore, gián tiếp đẩy Singapore xuống vị trí thứ ba sau Việt Nam và Malaysia và trở thành cựu vương của giải đấu.
Hai trận đấu bán kết xảy ra với hai kịch bản rất khác nhau. Thái Lan với uy thế đội chủ nhà đã nhẹ nhàng vượt qua Malaysia với tỷ số 2-0. Ở trận đấu còn lại, Việt Nam và Indonesia đã cống hiến một trận đấu với 5 bàn thắng với chiến thắng nghẹt thở 3-2 dành cho đội bóng xứ vạn đảo.
Mất hết nhuệ khí sau khi thua cay đắng, Việt Nam thất bại nặng nề 0-3 trước Malaysia và xếp hạng tư chung cuộc. Ở trận đấu chung kết, Thái Lan đã có màn thị uy sức mạnh của mình với chiến thắng 4-1, trong đó Worrawoot Srimaka đóng góp 3 bàn thắng. Qua đó, người Thái có lần thứ hai giương cao chức vô địch.
Tiger Cup 2002 – Giải đấu mới, kịch bản cũ
Tiger Cup 2002 diễn ra trên đất Indonesia với 9 đội bóng tham dự và được chia thành 2 bảng đấu gồm bảng A 5 đội và bảng B 4 đội. Sau các lượt trận vòng bảng, bốn đội vào bán kết vẫn được giữ nguyên so với giải đấu cũ, bao gồm Việt Nam, Indonesia (bảng A) và Malaysia, Thái Lan (bảng B).
Vòng bán kết chứng kiến Indonesia phải chật vật để giành được tấm vé vào chung kết khi có được chiến thắng 1-0 trước Indonesia. Trận đấu còn lại chứng kiến sự bắt đầu của giai đoạn thoái trào của bóng đá Việt Nam bằng thất bại 0-4 trước người Thái.
Giải đấu chứng kiến Việt Nam đứng vị trí thứ 3 sau chiến thắng 2-1 trước Malaysia ở trận đấu tranh huy chương đồng. Thái Lan tiếp tục bảo vệ được ngôi vương khi giành chiến thắng trên chấm luân lưu trước Indonesia sau khi hòa nhau 2-2 ở 120 phút thi đấu.
Tiger Cup 2004 – Khép lại Tiger Cup bằng những bất ngờ
Đây là giải đấu cuối cùng mang tên Tiger Cup và cũng là giải đấu mà thể thức thi đấu vòng bán kết và chung kết được thay đổi. Tiger Cup 2004 có thể xem là một giải đấu của sự bất ngờ khi nhà vô địch 2 mùa gần nhất Thái Lan bị loại ngay từ vòng bảng. Việt Nam cũng đánh dấu lần đầu tiên bị loại sớm với thất bại đáng xấu hổ 0-3 trước á quân mùa trước Indonesia.
Vòng bán kết chứng kiến những bữa tiệc bàn thắng mãn nhãn khi Indonesia hạ Malaysia 5-3 sau 2 lượt trận. Ở trận đấu còn lại, Singapore đã nã vào lưới Myanmar đến 8 bàn sau hai trận đấu và đường hoàng bước vào trận chung kết.
Với tâm lý hưng phấn, Singapore giành chiến thắng ở cả hai lượt trận trước Indonesia với tổng tỷ số 5-2, đánh dấu cú hattrick về nhì cho đội bóng xứ vạn đảo.
Tiger Cup và những miền ký ức xưa
Tuy cái tên Tiger Cup đã không còn nhưng ký ức mà giải đấu mang lại luôn là một điều đặc biệt dành cho các khán giả 7x, 8x thời đó. Đây là giai đoạn hình thành tính chuyên nghiệp cho thể thao Đông Nam Á sau giai đoạn khó khăn gây ra bởi chiến tranh.
Chắc chắn những thước phim tư liệu quý về giải đấu luôn được thế hệ cha chú ghi lại và xem nó nhưng một phần của kỷ niệm – kỷ niệm về chiến dịch thi đấu quốc tế đầu tiên của đội tuyển bóng đá quốc gia Việt Nam sau khi giành độc lập.
Tìm hiểu thêm các giải đấu khác mà đội tuyển và các CLB Việt Nam tham gia như AFF Cup, V-League hay AFC Cup, truy cập ngay vào chuyên mục Giải Bóng Đá của Vé Bóng đá Online ngay.