Vào mỗi vòng đấu cuối của V-League, bên cạnh câu chuyện vô địch, các suất tham dự các giải đấu châu lục như AFC Champions League hay AFC Cup luôn là một câu chuyện được nhiều người hâm mộ quan tâm.
Vì vậy, trong bài viết này, hãy cùng nhau tìm hiểu AFC Cup và thành tích của các CLB Việt Nam trong giải đấu này.
Mục lục [show]
- AFC Cup – Giải đấu dành cho các CLB trung bình khá
- Quy mô giải đấu AFC Cup
- Giải đấu lằng nhằng nhất hành tinh
- Thành tích của bóng đá Việt Nam tại AFC Cup
- Những sự thật thú vị về AFC Cup
AFC Cup – Giải đấu dành cho các CLB trung bình khá
Nếu như đã xem bóng đá từ lâu, chắc hẳn người hâm mộ sẽ không còn xa lạ với hai giải đấu là UEFA Champions League và UEFA Europa League giữa các CLB châu Âu.
Tương tự như vậy, bóng đá châu Á cũng sở hữu riêng cho mình hai giải đấu với ý nghĩa tương tự trên là AFC Champions League (hay còn gọi là Cúp C1 châu Á) – nơi tranh tài cho những CLB lớn và hùng mạnh nhất châu Á.
Cùng với đó là AFC Cup – đấu trường cho những CLB tầm trung bình khá với hy vọng tạo ra sự cạnh tranh công bằng giữa các CLB.
Nếu như các CLB lớn ở các nền bóng đá tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Qatar xem Cúp C1 châu Á là mục tiêu phấn đấu của mình thì AFC Cup chính là đấu trường để các nền bóng đá nhỏ hơn, trong đó có cả Việt Nam, đưa bản thân đến vinh quang.
Quy mô giải đấu AFC Cup
Hiện nay, kể từ mùa giải năm 2017, AFC Cup sẽ bao gồm 36 CLB châu Á từ các khu vực khác nhau, bao gồm Tây Á (12 CLB), Trung Á (4 CLB), Đông Á (4 CLB), Nam Á (4 CLB) và Đông Nam Á (12 CLB). 36 đội bóng này sẽ được phân chia thành các bảng khác nhau dựa vào khu vực của mình, cụ thể như sau.
- Bảng A, B, C: dành cho 12 CLB Tây Á, mỗi bảng gồm 4 đội.
- Bảng D: dành cho 4 CLB Trung Á
- Bảng E: dành cho 4 CLB Nam Á
- Bảng F, G, H: dành cho 12 CLB Đông Nam Á, mỗi bảng gồm 4 đội
- Bảng I: dành cho 4 CLB Đông Á
Dự kiến năm 2021, AFC Cup sẽ tăng lên 48 suất nhưng kế hoạch đang bị tạm hoãn vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nặng nề trên toàn châu Á.
Giải đấu lằng nhằng nhất hành tinh
Nếu như các fan cảm thấy bối rối về việc phân chia các suất thi đấu và đi tiếp của đấu trường hạng hai châu Âu UEFA Europa League thì hãy chuẩn bị sẵn sàng một vỉ Panadol Extra khi tìm hiểu về AFC Cup.
Bởi khác với châu Âu, châu Á có phần diện tích trải dài lẫn theo chiều ngang lẫn chiều dọc nên việc di chuyển đến các khu vực làm vô cùng khó khăn nên giải đấu AFC Cup đã đi đến quyết định: Gom các CLB cùng khu vực lại thi đấu rồi chọn ra những đội xuất sắc… để tiếp tục tham gia một vòng đấu khác.
Hình thức đá vòng bảng của AFC Cup
Mọi sự khó hiểu sẽ bắt nguồn từ đây, khi 36 CLB bắt đầu tham gia vòng bảng để chọn ra những đội vào vòng trong. Khi này, khái niệm liên khu vực được hình thành.
- Bảng A, B, C: 3 đội đầu bảng cùng đội nhì bảng xuất sắc nhất sẽ vào Vòng loại trực tiếp khu vực Tây Á.
- Bảng D: Đội đầu bảng sẽ tham gia Vòng loại trực tiếp liên khu vực.
- Bảng E: Đội đầu bảng sẽ tham gia Vòng loại trực tiếp liên khu vực.
- Bảng F, G, H: 3 đội đầu bảng cùng đội nhì bảng xuất sắc nhất sẽ vào Vòng loại trực tiếp khu vực Đông Nam Á
- Bảng I: Đội đầu bảng sẽ tham gia Vòng loại trực tiếp liên khu vực.
Vòng loại trực tiếp khu vực Đông Nam Á
Được xem như vùng trũng của bóng đá châu Á nên khu vực Đông Nam Á sẽ phải thi đấu nhiều trận hơn nhằm nâng cao chất lượng giải đấu.
Theo đó, 4 đội vào vòng loại khu vực Đông Nam Á sẽ thi đấu các trận bán kết và chung kết (theo hình thức lượt đi và lượt về) để chọn ra đội chiến thắng cuối cùng để tiếp tục tham gia… Vòng loại trực tiếp liên khu vực.
Vòng loại trực tiếp liên khu vực
Đến đây, khái niệm liên khu vực được hình thành. Khái niệm này bao gồm Đông Á, Nam Á, Trung Á và Đông Nam Á. Theo đó, 3 đội bóng các bảng D, E, I cùng với đội chiến thắng cuối cùng từ Vòng loại trực tiếp liên khu vực.
Tương tự như trên, 4 đội sẽ tham gia các trận bán kết và chung kết dưới hình thức lượt đi và lượt về. Đến đây, đội bóng thắng chung cuộc… lại phải tham gia một trận chung kết khác, gọi là Chung kết tổng.
Vòng loại trực tiếp khu vực Tây Á
Khác với các CLB Đông Nam Á, Tây Á có vẻ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Ba đội bóng nhất bảng A, B, C và đội nhì bảng xuất sắc nhất cũng sẽ tham gia các trận đấu lượt đi và lượt về của vòng bán kết và chung kết để chọn ra đội bóng thắng chung cuộc trong bốn đội và được tham gia Chung kết tổng.
Chung kết tổng
Đây chính xác là trận chung kết của giải đấu AFC Cup rườm rà này. Đội bóng thắng chung cuộc Vòng loại trực tiếp liên khu vực và Vòng loại trực tiếp khu vực Tây Á sẽ tham gia vào trận đấu cuối cùng này để giành chức vô địch. Trận đấu sẽ được tổ chức một lượt trận duy nhất trên sân một trong hai đội: năm lẻ tổ chức trên sân đội Liên khu vực còn năm chẵn tổ chức trên sân đội Tây Á.
Thành tích của bóng đá Việt Nam tại AFC Cup
Dù là đấu trường hạng hai của bóng đá châu Á, nhưng AFC Cup vẫn là một giải đấu có hơi quá tầm với bóng đá Việt Nam. Tuy nhiên, vào các năm 2009 và 2019, bóng đá Việt Nam vẫn gây ra những cú sốc liên tiếp.
Năm 2009, ở thể thức thi đấu cũ, Becamex Bình Dương đã trở thành đội bóng Việt Nam đầu tiên bước vào vòng bán kết của giải đấu trước khi bị loại bởi đội bóng Syria Al-Karamah.
Đúng 10 năm sau, ở thế thức mới phức tạp hơn, CLB Hà Nội đã có lần đầu bước vào trận chung kết Liên khu vực nhưng đáng tiếc bị loại bởi luật bàn thắng sân khách.
Những sự thật thú vị về AFC Cup
Việt Nam có bao nhiêu suất dự AFC Cup?
Hiện tại, do thành tích không mấy khả quan trong quá khứ nên Việt Nam chỉ có vỏn vẹn 3 suất tham dự các giải đấu cấp châu lục, 2 trong số đó là ở AFC Cup.
Theo phân bổ của Liên đoàn, đội á quân V-League và đội vô địch Cúp Quốc gia sẽ nắm 2 suất tham gia trên. Tuy nhiên, trong trường hợp đội vô địch Cúp Quốc gia đã có suất ở V-League, suất đó sẽ nhường lại cho đội xếp thứ ba ở V-League.
Vì sao một số CLB không được tham gia AFC Champions League/AFC Cup?
Tham gia một giải đấu lớn cấp châu lục đòi hỏi các CLB phải thỏa mãn rất nhiều điều kiện khác nhau từ sân bãi, số trận thi đấu cũng như các lứa trẻ. Đáng buồn là các CLB Việt Nam đều đã từng bị kẹt ở các điều kiện kể trên, có thể kể đến như:
- Hải Phòng (2016) và Quảng Nam (2017) không được tham gia vì vấn đề sân bãi, nhường suất cho Hà Nội FC.
- HAGL (2021) có nguy cơ không được tham gia vì không đá đủ số trận quốc nội theo quy định của AFC do V-League bị hủy vì dịch COVID-19.
- Hà Nội FC bị cấm thi đấu ở đấu trường châu lục 3 năm kể từ năm 2020 vì không có lứa trẻ tham gia giải U15 theo quy định.
Nếu vô địch AFC Cup, một đội bóng Việt Nam có thể phải đá bao nhiêu trận?
Do thuộc khu vực Đông Nam Á nên một CLB Việt Nam muốn vô địch thì phải trải qua… tận 2 vòng bán kết và 3 vòng chung kết với số trận phải đá lên đến 15 trận thuộc giải đấu, tức hơn một nửa của V-League vốn chỉ gồm 26 trận đấu.
Tìm hiểu thêm các giải đấu khác mà đội tuyển và các CLB Việt Nam tham gia, truy cập ngay vào chuyên mục Giải Bóng Đá của Vé Bóng đá Online ngay.